Quản lý nhà nước về địa chính là hoạt động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm thực hiện bảo vệ quyền sở hữu Nhà nước về đất đai, điều chỉnh các lợi ích của Nhà nước. Quản lý địa chính dựa trên cơ sở Hiến pháp, luật và các văn bản pháp luật khác.
1. Quản lý nhà nước về địa chính
1.1. Khái niệm về quản lý nhà nước
Quản lý là một hoạt động tất yếu khách quan, diễn ra ở mọi tổ chức có quy mô từ nhỏ đến lớn, từ cấu trúc đơn giản đến phức tạp. Xã hội ngày càng phát triển, trình độ hợp tác và phân công lao động ngày càng cao thì yêu cầu về công tác quản lý ngày càng hoàn thiện. Quản lý với tư cách là một khoa học độc lập thì còn rất mới, như Laurence Lowell nhận xét : “quản lý là nghiệp xưa nhất và là nghề mới nhất”. Những tư tưởng về quản lý xã hội đã xuất hiện từ xa xưa, nhưng càng về sau thì mới xuất hiện thêm các trường phái quản lý. Cho đến nay có một cách tiếp nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà khoa học và quản lý thực tiễn về khái niệm quản lý là sự tác động có tổ chức, có đích hướng của chủ thể lên đối tượng quản lý nhằm đạt mục tiêu dự kiến.
Trong hệ thống các chủ thể quản lý xã hội, Nhà nước là chủ thể duy nhất quản lý mọi mặt của xã hội bằng nhiều biện pháp, công cụ khác nhau, trong đó có công cụ chủ yếu quản lý bằng pháp luật. Cụ thể như sau:
– Nhà nước quản lý toàn bộ những người sống và làm việc trên lãnh thổ quốc gia, bao gồm công dân và những người không phải là công dân.
– Nhà nước quản lý toàn diện là Nhà nước quản lý toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội theo nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ. Nhà nước quản lý toàn bộ các lĩnh vực đời sống xã hội có nghĩa là các cơ quan quản lý điều chỉnh mọi khía cạnh hoạt động của xã hội trên cơ sở pháp luật quy định.
– Nhà nước quản lý bằng pháp luật là Nhà nước lấy pháp luật làm công cụ xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo luật định một cách nghiêm minh.
Vậy: Quản lý nhà nước là dạng quản lý xã hội mang tính quyền lực Nhà nước được sử dụng quyền lực Nhà nước để điều chỉnh các quan hệ xã hội và hành vi hoạt động của con người để duy trì, phát triển các mối quan hệ xã hội,trật tự pháp luật nhằm thực hiện chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước.
1.2. Khái niệm về địa chính
Ngày nay, danh từ “địa chính” không còn xa lạ với đối với người dân ở Việt Nam cũng như trên thế giới vì nó là một lĩnh vực gắn bó với đời sống của con người, nó liên quan đến quyền sở hữu bất động sản gắn với đất và quyền sử dụng đất, một giá trị kinh tế lớn đối với mỗi con người. Địa chính chiếm một vị trí đặc biệt trong xác định bằng chứng pháp lý về quyền sở hữu, quyền sử dụng đất và là cơ sở để Nhà nước xác định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng bất động sản đối với Nhà nước.
Địa chính là tổng hợp các loại bản đồ đo đạc về đất và các tư liệu xác định rõ vị trí, ranh giới, phân loại, số lượng, chất lượng của đất đai, tài sản trên đất, quyền sử dụng đất làm cơ sở cho việc phân bổ, thu thuế đất, quản lý địa chính thông qua việc lập, cập nhật, và bảo quản các tài liệu địa chính.Có thể hiểu ngắn gọn,địa chính là khoa học về đo đạc bản đồ và quản lý địa chính trên cơ sở dữ liệu do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tạo ra, bởi vậy,địa chính là công việc của Nhà nước mà trọng tâm của công việc là lập Hồ sơ địa chính và quản lý Hồ sơ địa chính.
“Địa” là đất,mảnh đất, thửa đất, lãnh thổ, còn “Chính” là công việc của Nhà nước đề ra các phép tắc, luật lệ để quản lý đất đó (Theo Từ điển Hán – Việt năm 1998). Chi tiết về“địa chính” được hiểu các công việc sau:
Thứ nhất, địa chính là bản kê về tài sản gắn liền với đất và quyền sử dụng đất, trong đó chứa đựng những thông tin đầy đủ về chủ sử dụng đất, loại đất, vị trí tọa lạc của thửa đất.
Thứ hai, địa chính là việc quản lý địa chính do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành gồm ba khâu cơ bản:lập Bản đồ địa chính, thống kê số lượng, đánh giá chất lượng làm căn cứ tính thuế, xác định khía cạnh pháp lý của đất đai nhằm quy định nghĩa vụ và quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu, chủ sử dụng đất, sản phẩm của ba khâu này phải được thể hiện cơ bản trong Hồ sơ địa chính. Hồ sơ địa chính còn được gọi là hồ sơ pháp lý về thửa đất.
Vậy, quản lý nhà nước về địa chính là hoạt động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm thực hiện bảo vệ quyền sở hữu Nhà nước về đất đai, điều chỉnh các lợi ích của Nhà nước. Quản lý địa chính dựa trên cơ sở Hiến pháp, luật và các văn bản pháp luật khác. Việc quản lý được thực hiện thông qua hệ thống Nhà nước mà trọng tâm của công việc là lập và quản lý Hồ sơ địa chính.
1.3. Khái niệm về Hồ sơ địa chính
Khái niệm về Hồ sơ địa chính được quy định tại Thông tư số 24/2014/TT- BTNMT ngày 19/5/2014 của B.TNMT. Điều 2, Thông tư 24/2014 qui định: Hồ sơ địa chính là tập hợp tài liệu thể hiện thông tin chi tiết về hiện trạng và tình trạng pháp lý của việc quản lý, sử dụng các thửa đất, tài sản gắn liền với đất để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước về địa chính và nhu cầu thông tin của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Như vậy, Hồ sơ địa chính là hệ thống tài liệu, số liệu, bản đồ, sổ sách… chứa đựng những thông tin cần thiết về các mặt tự nhiên, kinh tế, xã hội, pháp lý của đất đai và những thông tin này chúng ta có được trong quá trình đo đạc lập Bản đồ địa chính, đăng ký ban đầu và đăng ký biến động đất đai, cấp GCNQ sử dụng đất.
Tất cả các thông tin về tự nhiên của đất đai được lấy thông qua đo đạc khảo sát; còn các yếu tố kinh tế của đất đai lấy thông tin từ việc phân loại, đánh giá, phân hạng đất đai là điều kiện để xác định giá đất và thu thuế. Yếu tố xã hội về đất đai lấy từ hoạt động của Nhà nước về quyền sở hữu tài sản trên đất, quyền sử dụng đất, các quan hệ về chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp… Còn yếu tố pháp luật của đất đai thì căn cứ vào quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ví dụ như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy định pháp luật về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất…
Như vậy, tất cả các thông tin đất đai ở trong Hồ sơ địa chính như trên là cơ sở để thực hiện quản lý nhà nước về địa chính, để bảo hộ quyền hợp pháp của người sử dụng đất .
1.4. Các loại hồ sơ địa chính
Hồ sơ địa chính bao gồm các tài liệu, số liệu, bản đồ, sổ sách … chứa đựng toàn bộ thông tin về đất đai. Nó là sản phẩm do người quản lý có thẩm quyềnlập lên và mỗi cơ quan quản lý lập loại Hồ sơ địa chính khác nhau. Vì thế, có các loại Hồ sơ địa chính như sau:
– Hệ thống địa bạ: là một hệ thống hồ sơ ghi chép, cập nhật những dữ liệu cơ bản về tình hình đất đai, chứa đựng những thông tin về đất đai do chính quyền quản lý. Hệ thống địa bạ chứa đựng các thông tin về vị trí, hình thể, kích thước, ranh giới, loại đất, tên chủ sử dụng đất .
Hệ thống địa bạ bao gồm: thứ nhất sổ địa bạ là sổ sách đăng ký thông tin chứa dựng thông tin về đất đai, thường do cơ quan chính quyền cấp xã (cấp cơ sở) cấp và quản lý; thứ hai là các giấy tờ chứng minh xác định quyền sử dụng đất, những giấy tờ này do người nắm giữ quản lý. Việc sử dụng hệ thống địa bạ đơn giản, dễ thực hiện, là hệ thống đạt được mục tiêu cấp cơ sở, sử dụng trong phạm vi hẹp. Bên cạnh những ưu điểm trên thì nó có nhược điểm đó là thông tin về đất đai không chính xác, không thống nhất trong công tác quản lý địa chính do việc quản lý chỉ sử dụng ở đơn vị hành chính nhỏ và quản lý trên từng mảnh đất, lô đất. Nếu quản lý đất trong phạm vi rộng hơn thì khó thực hiện, sử dụng trong trường hợp điều kiện kỹ thuật chưa phát triển, điều kiện đất đai ít biến động, ít có sự thay đổi về mục đích sử dụng, cũng như chủ thể sử dụng và các quan hệ sử dụng.
– Hệ thống bằng khoán (bằng khoán điền thổ): là hệ thống hồ sơ quản lý địa chính một cách thống nhất, trên cơ sở đó hệ thống Bản đồ địa chính cùng với các hệ thống quản lý hoàn chỉnh và đồng bộ. Hệ thống này được áp dụng thời Pháp thuộc ở nước ta.
Hệ thống này ra đời sau khi hệ thống địa bạ ra đời. Sự ra đời của hệ thống này là khách quan bởi cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội các quan hệ đất đai phát triển đặc biệt là quan hệ hàng hoá tiền tệ (mua – bán) cho thuê, chuyển nhượng… Do đó mà hệ thống thông tin về quản lý địa chính phát triển đó là việc xác lập Bản đồ địa chính.
Nội dung của hệ thống bằng khoán bao gồm: hệ thống Bản đồ địa chính quy định thống nhất trong cả nước; thứ hai là hệ thống hồ sơ sổ sách để ghi chép, quản lý thông tin về mảnh đất, và cuối cùng là GCNQ sử dụng đất trong cả nước. Với nội dung trên thì hệ thống bằng khoán đảm bảo thông tin thống nhất, chặt chẽ, việc quản lý diễn ra trên cả nước. Việc sử dụng hệ thống này tạo điều kiện để phát triển quan hệ hàng hoá tiền tệ về đất đai một cách chính xác, đầy đủ sẽ ngăn chặn tình trạng thông tin ngầm tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Đồng thời cho phép điều chỉnh quy hoạch và thay đổi mục đích sử dụng đất một cách linh hoạt.
Với những ưu điểm trên thì hệ thống bằng khoán cũng có những nhược điểm của nó như: để tạo được hệ thống bằng khoán thì cần phải có chi phí đầu tư rất lớn, hệ thống vận hành quản lý phải có đủ trình độ và phương tiện, các cán bộ phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao.
Bên cạnh việc sử dụng hai hệ thống trên thì có thể sử dụng hệ thống hỗn hợp tức là sử dụng đồng thời hai hệ thống địa bạ và bằng khoán. Việc kết hợp hai hệ thống trên không có nghĩa là sử dụng hai thông tin hệ thống trên một mảnh đất mà có loại thì sử dụng hệ thống địa bạ thì tốt, đơn giản, dễ làm, nhưng có loại đất thì phải sử dụng thông tin đất đai. Thật vậy, có những những loại đất ít biến động thì ta nên sử dụng hệ thống địa bạ sẽ đơn giản mà vẫn đảm bảo được thông tin đầy đủ. Còn đối với đất đô thị, công nghiệp có rất nhiều biến động xảy ra nếu sử dụng hệ thống địa bạ thì thông tin về thửa đất sẽ không chính xác bằng việc sử dụng hệ thống bằng khoán. Vì với những loại đất đô thị, công nghiệp mang nhiều yếu tố kinh tế, nó chứa đựng nhiều yếu tố về vốn và sử dụng vốn nên rất cần thông tin được cập nhật đầy đủ, chính xác có như thế mới tạo được sự công bằng trong việc sử dụng đất .
Qua đó cho ta thấy được việc lập và quản lý Hồ sơ địa chính có vai trò và ý nghĩa rất lớn trong việc quản lý địa chính. Thế nhưng vấn đề đặt ra là ta nên sử dụng Hồ sơ địa chính nào cho mục đích nào là tốt nhất và cần thiết, hoàn thiện loại hồ sơ như thế nào để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về địa chính là tốt nhất.
Hồ sơ địa chính là hệ thống tài liệu, số liệu, bản đồ, sổ sách … chứa đựng đầy đủ các thông tin về đất đai. Các tài liệu cấu thành Hồ sơ địa chính bao gồm:
+ Bản đồ địa chính: Tuỳ theo điều kiện ở từng địa phương bản đồ này có mức độ khác nhau về chất lượng. Bản đồ địa chính gồm các loại như: Bản đồ địa chính có tọa độ theo hệ tọa độ thống nhất; bản đồ giải thửa toàn xã đo vẽ bằng nhiều phương pháp khác nhau; hồ sơ kỹ thuật thửa đất đối với đất đô thị hoặc sơ đồ trích thửa đối với thửa đất nông, lâm nghiệp nhiều chủ sử dụng nhưng ranh giới giữa các chủ chưa thể hiện bằng bờ cố định; bản đồ trích lục ô phố, xứ đồng, thôn ấp, bản hoặc từng thửa đất trong trường hợp chưa có Bản đồ địa chính mà có nhu cầu cần đăng ký lập hồ sơ, cấp GCNQ sử dụng đất đến hộ gia đình, cá nhân, từng tổ chức trên từng thửa đất.
+ Sổ địa chính gồm Sổ địa chính ở nông thôn và Sổ địa chính thành thị. Sổ địa chính và Bản đồ địa chính là hai tài liệu chứa đựng thông tin mang tính pháp lý của đất đai.
+ Sổ mục kê: thường dùng cho khu vực nông thôn được dùng để thống kê, kiểm kê đất đai tiện lợi hơn, vì hệ thống công nghệ thông tin nhiều địa phương chưa tốt.
+ Sổ cấp GCNQ sử dụng đất
+ Sổ theo dõi biến động đất đai.
+ Biểu số liệu thống kê diện tích: cho biết diện tích từng đơn vị đất đai và từng đơn vị hành chính giúp cho nhà quản lý có được thông tin cụ thể.
Tất cả các tài liệu trên phục vụ cho công tác trực tiếp quản lý địa chính, đây là hồ sơ thường trực, hồ sơ này được sử dụng thường xuyên.Bên cạnh các tài liệu được sử dụng thường xuyên thì có tài liệu chỉ được sử dụng khi cần thiết có thể sử dụng như tài liệu gốc lưu trữ. Các tài liệu này dùng xác nhận thông tin đảm bảo hệ thống hồ sơ trên mang tính pháp lý và dùng để thẩm tra, kiểm tra. Các tài liệu này hình thành trong quá trình đo đạc, lập Bản đồ địa chính gồm toàn bộ thành quả giao nộp theo luận chứng kinh tế kỹ thuật đã được duyệt của mỗi công trình đo vẽ, lập Bản đồ địa chính và các thông tin, tư liệu hình thành trong quá trình đăng ký lần đầu và đăng ký biến động đất đai gồm: các giấy tờ do chủ sử dụng đất nộp khi kê khai đăng ký; đơn kê khai đăng ký, cấp giấy tờ pháp lý về nguồn gốc đất đai; hồ sơ, tài liệu được hình thành trong quá trình thẩm tra, xét duyệt đơn của cấp xã, huyện; các văn bản pháp lý của cấp có thẩm quyền trong việc thực hiện đăng ký đất đai, cấp GCNQ sử dụng đất: quyết định thành lập hội đồng đăng ký đất, quyết định cấp GCNQ sử dụng đất, quyết định xử lý các vi phạm pháp luật đất đai …; hồ sơ về kiểm tra kỹ thuật, nghiệm thu sản phẩm ĐKĐĐ để xét cấp GCNQ sử dụng đất.
1.6. Mục đích của việc và quản lý địa chính
Việc quản lý địa chính việc quản lý của Nhà nước đối với đất đai, đồng thời bảo vệ quyền sử dụng hợp pháp của các cá nhân và tổ chức. Nhà nước thực hiện việc đăng ký đất đai, lập Hồ sơ địa chính, cấp GCNQ sử dụng đất cho các chủ thể sử dụng đất nhằm đảm bảo cho đất đai được sử dụng hợp lý, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia vào quan hệ pháp luật đất đai. Về phía người sử dụng đất, quyền sử dụng đất đai chỉ giới hạn trong phạm vi Nhà nước giao hoặc Nhà nước công nhận nhưng người sử dụng đất phải biết rõ thông tin về thửa đất thông qua việc đăng ký và thiết lập Hồ sơ địa chính.
Để Nhà nước có những quyết định về mục đích sử dụng đất thì phải nắm rõ toàn bộ thông tin về đất đai, phải dựa vào Hồ sơ địa chính. Nếu không có Hồ sơ địa chính thì Nhà nước không quản lý được việc sử dụng đất có đúng mục đích hay không, có hiệu quả hay không. Còn đối với người sử dụng đất nếu không thực hiện việc đăng ký đất đai thì người sử dụng đất sẽ không yên tâm khai thác và đầu tư.
Thông qua việc quản lý Nhà nước sẽ quy định trách nhiệm pháp lý giữa Nhà nước và người sử dụng đất trong việc chấp hành pháp luật.
Thực hiện việc lập Hồ sơ địa chính là điều kiện đảm bảo để Nhà nước quản lý chặt chẽ toàn bộ quỹ đất trong phạm vi lãnh thổ, đảm bảo cho đất được sử dụng đầy đủ, tiết kiệm và có hiệu quả cao. Thực hiện lập Hồ sơ địa chính để tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước. Nhà nước muốn quản lý chặt chẽ toàn bộ đất đai trước hết cần nắm vững các thông tin về tình hình đất đai bao gồm:
Đối với đất đai Nhà nước đã giao quyền sử dụng đất, các thông tin cần biết gồm: tên chủ sử dụng, hình thể, vị trí, kích thước, diện tích, hạng đất, mục đích sử dụng, hạn mức sử dụng đất, những ràng buộc về quyền sử dụng, những thay đổi trong quá trình sử dụng đất và cơ sở pháp lý.
Đối với đất chưa giao quyền sử dụng, các thông tin cần biết: vị trí, hình thể, diện tích, loại đất. Tất cả các thông tin trên phải được thể hiện chi tiết đến từng thửa đất. Đây là đơn vị nhỏ nhất chứa đựng các thông tin về tình hình tự nhiên, kinh tế, xã hội và pháp lý của đất đai theo yêu cầu quản lý nhà nước về địa chính.
1.7. Vai trò của pháp luật trong quản lý nhà nước về địa chính:
Luật pháp là công cụ quản lý không thể thiếu được của Nhà nước. Từ xưa đến nay Nhà nước luôn thực hiện quyền cai trị của mình, trước hết bằng luật pháp. Nhà nước dùng luật pháp tác động vào ý chí của con người để điều chỉnh hành vi của con người. Đối với công tác quản lý nhà nước về địa chính, luật pháp có vai trò chủ yếu sau đây:
Duy trì trật tự và an toàn xã hội trong lĩnh vực đất đai và nhà ở. Đất đai và nhà ở là yếu tố gắn chặt với lợi ích vật chất, tinh thần của tổ chức và cá nhân do đó rất dễ nảy sinh nhiều mâu thuẫn phức tạp. Trong các mâu thuẫn đó nhiều trường hợp phải dùng đến luật pháp để cưỡng chế mới giải quyết được. Như vậy luật pháp là công cụ quan trọng nhằm duy trì trật tự và an toàn xã hội.
Luật pháp là công cụ bắt buộc các tổ chức và cá nhân thực hiện nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ khác. Nghĩa vụ của các tổ chức và cá nhân sử dụng đất và nhà ở, trước hết là nghĩa vụ thuế có tính chất bắt buộc. Song, không phải lúc nào nghĩa vụ đó đều được các tổ chức cá nhân tự giác thực hiện. Điều này không những để duy trì trật tự xã hội, mà còn để cho các tổ chức và cá nhân sử dụng đất và nhà ở thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.
Thông qua công cụ luật pháp Nhà nước đảm bảo sự bình đẳng, công bằng giữa các tổ chức và cá nhân sử dụng đất và nhà ở cũng như đảm bảo sự kết hợp hài hoà các lợi ích. Trong luật pháp, thông qua những điều khoản bắt buộc, thông qua các chính sách miễn giảm thưởng phạt… cho phép Nhà nước thực hiện quyền bình đẳng cũng như giải quyết tốt mối quan hệ về lợi ích trong lĩnh vực đất đai và nhà ở giữa các tổ chức và cá nhân.
Luật pháp là công cụ tạo điều kiện cho các công cụ quản lý khác, các chính sách chế độ của Nhà nước thực hiện có hiệu quả hơn. Thông qua việc giám sát, kiểm tra, xử phạt khen thưởng … công cụ luật pháp với chức năng canh giữ điều chỉnh, và xử lý sẽ tạo điều kiện cho các công cụ chính sách, chế độ Nhà nước thực hiện an toàn thuận lợi hơn và có hiệu quả cao hơn.
1.8. Các công cụ luật pháp chủ yếu trong quản lý nhà nước về địa chính:
Hệ thống luật của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến lĩnh vực quản lý về đất đai và nhà ở, có rất nhiều loại khác nhau như: Hiến pháp; Luật pháp về đất đai; Pháp lệnh về đất đai và nhà ở; Các thông tư, Chỉ thị… của Nhà nước, Trung ương và của các chính quyền địa phương; của các bộ, ngành có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến đất đai và nhà ở.
1.9. Ban hành văn bản pháp luật và hướng dẫn thực hiện văn bản đó:
Văn bản pháp luật về quản lý Nhà nước về địa chính là những văn bản không chỉ cung cấp thông tin mà còn thể hiện ý chí mệnh lệnh của các cơ quan quản lý đối với người sử dụng đất nhằm thực hiện các quy định luật lệ của Nhà nước.
Công tác xây dựng văn bản pháp luật về quản lý sử dụng đất là một nội dung quan trọng không thể thiếu trong hoạt động quản lý Nhà nước về địa chính. Dựa trên việc ban hành các văn bản pháp luật này, Nhà nước buộc các đối tượng sử dụng đất phải thực hiện các quy định về sử dụng theo một khuôn khổ do Nhà nước đặt ra. Văn bản pháp luật quản lý sử dụng đất biểu hiện quyền lực của các cơ quan quản lý Nhà nước về địa chính, nhằm lập lại một trật tự pháp lý theo mục tiêu của các cơ quan quản lý. Văn bản pháp luật nói chung và văn bản pháp luật quản lý sử dụng đất nói riêng mang tính chất Nhà nước. Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Vì vậy văn bản pháp luật đất đai vừa thể hiện được ý chí của Nhà nước vừa thể hiện được nguyện vọng của đối tượng sử dụng đất
Thông tin quản lý có thể được truyền tải dưới dạng vô tuyến, fax… nhưng văn bản vẫn giữ một vị trí quan trọng. Nó là phương tiện truyền đạt thông tin chính xác và bảo đảm các yêu cầu về mặt pháp lý chặt chẽ nhất. Ngoài ra, văn bản pháp luật đất đai còn là cơ sở để giúp cho các cơ quan quản lý tiến hành kiểm tra, thanh tra giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, hộ gia đình cá nhân sử dụng đất . Kiểm tra là một khâu tất yếu để đảm bảo cho việc sử dụng đất đạt hiệu quả. Nếu không có kiểm tra thì các Nghị quyết, nghị định, chỉ thị được ban hành chỉ là hình thức.
Văn bản QLNN về địa chính có hai loại hình: Văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quy phạm pháp quy.
Văn bản quy phạm pháp luật bao gồm các văn bản luật và dưới luật. Các văn bản Luật bao gồm Luật, Hiến pháp, pháp luật. Các quy định của Hiến pháp là căn cứ cho tất cả các ngành luật. Còn luật là các văn bản có giá trị sau Hiến pháp nhằm cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp.
Văn bản pháp quy là các văn bản dưới luật, chứa đựng các quy tắc xử sự chung được áp dụng nhiều lần do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành theo một trình tự thủ tục nhất định nhằm cụ thể hoá luật, pháp lệnh. Văn bản pháp quy được ban hành nhằm đưa ra các quy phạm pháp luật thể hiện quyền lực của Nhà nước được áp dụng vào thực tiễn. Đó là phương tiện để quản lý nhà nước, để thể chế hoá và thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, quyền làm chủ của nhân dân. Mặt khác nó còn cung cấp các thông tin quy phạm pháp luật mà thiếu nó thì không thể quản lý được.
Văn bản pháp quy bao gồm: Nghị định, quy định, chỉ thị, thông tư… nhằm hướng dẫn thực hiện các quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành, giải thích các chủ trương chính sách và đề ra các biện pháp thi hành các chủ trương đó.
2. Các yếu tố tác động đến công tác quản lý nhà nước về địa chính
2.1. Yếu tố thể chế
Hệ thống thể chế hành chính Nhà nước là toàn bộ các quy định, quy tắc do Nhà nước có thẩm quyền ban hành để điều chỉnh hoạt động của các chủ thể quản lý hành chính Nhà nước, tạo nên khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và các cán bộ, công chức có thẩm quyền. Xuất pháp từ khái niệm trên cho thấy thể chế có ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước bao gồm cả công tác quản lý địa chính.
Thể chế hành chính Nhà nước được cấu thành bởi hệ thống các quy định xác định mối quan hệ giữa Nhà nước với các đối tượng quản lý.
Trong lĩnh vực quản lý địa chính, thể chế hành chính là hệ thống các văn bản quy định tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước trong công tác quản lý địa chính. Do đó, nếu có thể chế khoa học, phù hợp, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về địa chính thì kết quả quản lý nhà nước về đất đai sẽ đạt hiệu quả tốt. Thể chế hành chính tốt góp phần khắc phục bệnh quan liêu, cửa quyền, tham nhũng và các tiêu cực liên quan đến quản lý và sử dụng đất .
Ngược lại, nếu hệ thống thể chế không tốt, nhiều bất cập, hạn chế, chậm được sửa đổi, bổ sung, không phù hợp với thực trạng và yêu cầu của quản lý thì sẽ kìm hãm công tác quản lý nhà nước về địa chính. Như vậy, thể chế hành chính là một nhân tố quan trọng quyết định đến sự thành công của quản lý địa chính.
2.2. Yếu tố con người
Một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả của công tác quản lý địa chính đó là yếu tố con người. Con người là trung tâm của mọi hoạt động quản lý nhà nước từ lập kế hoạch, thực thi kế hoạch, lãnh đạo điều hành và kiểm soát công tác địa chính, tất cả đều do con người thực hiện. Do đó, yếu tố con người tác động đến công tác quản lý nhà nước về địa chính bao gồm: cán bộ, công chức địa chính; các cấp lãnh đạo và cá nhân, tổ chức sử dụng đất . Cả hai chủ thể này đều ảnh hưởng đến thành công của công tác quản lý địa chính.
Đối với cán bộ, công chức: Đội ngũ cán bộ, công chức là người trực tiếp thực hiện các công việc liên quan đến địa chính. Xuất phát từ yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về địa chính đòi hỏi nội dung thông tin phải thể hiện chính xác, thống nhất. Do vậy, cần có một đội ngũ cán bộ, công chức có chuyên môn, có năng lực, có trách nhiệm, có ý thức để thực thi tốt công tác này.
Đối với cá nhân, tổ chức là người được phục vụ, người được yêu cầu cung cấp các thông tin,thì họ cần nhận thức đúng nghĩa vụ khi được phục vụ và phải tuân thủ trình tự, quy định về cung cấp thông tin. Trong quá trình đề nghị nếu có những điểm bất cập, chưa phù hợp với thực tế, công dân có thể tham gia đóng góp ý kiến để cơ quan có thẩm quyền xem xét cho phù hợp..
2.3. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện quản lý nhà nước về địa chính
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo là đặc biệt quan trọng trong quản lý hành chính Nhà nước nói chung và quản lý về địa chính nói riêng. Để đạt được thành công trong công tác quản lý về địa chính cần sự có quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy và chính quyền để tạo được sự tập trung, thống nhất về lý luận, chiến lược, biện pháp thực hiện. Công tác chỉ đạo được quan tâm, thực hiện quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm thì việc tổ chức thực hiện sẽ đồng bộ, hiệu quả, không để tình trạng làm cho có hay làm theo phong trào. Hơn nữa, công tác lãnh đạo còn được thể hiện qua việc kiểm soát, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của công chức, cơ quan hành chính.
2.4. Tổ chức bộ máy chuyên trách
Hệ thống cơ quan Quản lý nhà nước về địa chính được thành lập thống nhất từ cấp Trung ương đến cơ sở. Cơ quan cấp Bộ trực thuộc Chính phủ. Cơ quan quản lý địa chính địa phương được thành lập ở tỉnh, Thành phố trực thuộc TW, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Cơ quan quản lý ở địa phương có Văn phòng đăng ký đất đai, cấp xã thì có cán bộ địa chính. Cơ quan quản lý địa chính cấp nào thuộc cơ quan hành chính Nhà nước cấp đó và có trách nhiệm giúp UBND cấp đó trong việc quản lý địa chính ở tại địa phương. Điều này cho thấy, tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính có ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý nhà nước về địa chính.
Vì vậy, việc thực hiện Quản lý nhà nước về địa chính do các cấp (sở tài nguyên và môi trường, Phòng tài nguyên và môi trường, UBND cấp xã) thực hiện nên việc quản lý địa chính có đạt hiệu quả hay không phụ thuộc vào tổ chức cơ cấu bộ máy hành chính Nhà nước. Nếu bộ máy tinh gọn, rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, bố trí công chức theo năng lực, vị trí việc làm, có quy chế phối hợp giữa các cấp, các ngành thì công tác quản lý địa chính sẽ đạt hiệu quả cao. Ngược lại, việc quản lý địa chính sẽ không hiệu quả nếu bộ máy thực hiện yếu kém về năng lực, trách nhiệm, không linh hoạt trong phối hợp giữa các cấp, các ngành. Do đó, công tác quản lý về địa chính có hiệu quả thì yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước.
Thực trạng bộ máy hành chính nhà nước còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, nhiều đầu mối rườm rà, cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính chưa hợp lý, còn chồng chéo, chưa phân định rõ chức năng và quyền hạn dẫn đến hiệu lực và hiệu quả quản lý hành chính nhà nước, quản lý về địa chính đáp ứng nhu cầu của công tác quản lý, nhu cầu cung cấp thông tin đất đai của người dân, tổ chức còn thấp. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã chỉ đạo cải cách tổ chức bộ máy với bốn nội dung là tiến hành tổng rà soát về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức trên cơ sở đó điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, sắp xếp lại các cơ quan, đơn vị nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống hoặc trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; Xác lập mô hình tổ chức phù hợp, bảo đảm phân định đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sát thực tế, hiệu lực, hiệu quả; Xây dựng mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn phù hợp; Tiếp tục đổi mới phương thức làm việc của cơ quan hành chính Nhà nước ; Cải cách và triển khai trên diện rộng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công.
Đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước là một nhân tố then chốt quyết định đến sự thành công của Quản lý nhà nước về địa chính. Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước một cách khoa học sẽ nâng cao chất lượng quản lý địa chính, đáp ứng được yêu cầu cung cấp thông tin của người dân, tổ chức, loại bỏ những khâu, những việc rườm rà, không cần thiết. Hơn nữa, đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước sẽ nâng cao hiệu quả QLNN, tăng khả năng thích ứng với những thay đổi, đòi hỏi của môi trường trong nước và quốc tế, tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội trong nước.
2.5. Công nghệ thông tin và các yếu tố kỹ thuật khác
Ngày nay, thế giới công nghệ thông tin phát triển ngày càng mạnh, ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm thay đổi cơ bản cách quản lý và làm việc của con người. Phần cứng cũng như phần mềm trở nên hiện đại và hoàn thiện hơn. Người ta sử dụng máy tính để lập cơ sở dữ liệu địa chính, lúc này hệ thống thông tin đất đai hiện đại ra đời, nó trở thành công cụ đắc lực phục vụ cho việc quản lý địa chính. Vì thế, đổi mới là một yêu cầu cấp bách nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về đất đai và nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu thông tin địa chính – nhà đất của các tổ chức kinh tế xã hội và của nhân dân.
Công nghệ thông tin được ứng dụng trong quản lý hành chính cho việc lưu trữ, trao đổi thông tin, truyền văn bản, giao ban trực tuyến, xây dựng cơ sở dữ liệu đặc biệt trong lĩnh vực quản lý địa chính thì công nghệ thông tin rất cần thiết cho việc thành lập, số hóa bản đồ, hồ sơ, từ đó tạo hệ thống dữ liệu thống nhất và là cơ sở để giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý địa chính đã tạo ra bước đột phá góp phần giải quyết nhanh gọn, giảm phiền hà trong cung cấp thông tin đất đai cho công dân và tổ chức.
Như vậy, công nghệ thông tin có vai trò quan trọng quyết định đến thành công của công tác quản lý địa chính. Công nghệ thông tin đã thay đổi cách thức quản lý địa chính, xây dựng cở sở dữ liệu, thiết lập mối quan hệ, phối hợp rõ ràng giữa các bộ phận, các ngành, các cấp thông qua phần mềm quản lý, từ đó quản lý địa chính có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự phát triển kinh tế – xã hội.
3. Sơ lược quản lý nhà nước về địa chính qua các thời kỳ phát triển của Việt Nam
3.1 Quản lý nhà nước về địa chính thời kỳ phong kiến
Trong hơn 1000 năm Bắc thuộc, hình thức sở hữu tối cao phong kiến về ruộng đất chi phối xã hội Việt Nam. Nhà Đường đã áp dụng nhiều chính sách về đất đai để tạo nguồn thu cho Nhà nước đô hộ. Khi giành được độc lập tự chủ, Đinh Bộ Lĩnh làm vua xây dựng Nhà nước Đại Cồ Việt – quyền sở hữu tối cao về nhà vua được xác lập. Do vai trò đặc biệt quan trọng của đất đai, các Nhà nước phong kiến Việt Nam đã quan tâm đến công tác quản lý đất đai, mà trước hết là việc đưa ra các chính sách, pháp luật điều tiết các quan hệ về đất đai. Chính sách đất đai trước hết tập trung vào việc thu thuế điền và xác định các hình thức sở hữu về đất đai như sở hữu tư nhân, sở hữu công làng xã và sở hữu trực tiếp của Nhà nước – “Đất vua, chùa làng”.
Hệ thống hồ sơ địa bạ được khởi xướng bởi Lê Lợi (1428) qua bổ sung và củng cố thời Lê Thánh Tông (1483) và được hoàn chỉnh dưới triều Gia Long (1819). Địa bạ là hệ thống tài liệu, sổ sách ghi chép về quyền sở hữu đất đai và các thông tin về thửa đất (vị trí, loại, hạng đất, cây trồng, hình thức canh tác,…) được thành lập cho các xã trong cả nước nhưng không có sơ đồ thửa đất kèm theo. Căn cứ vào địa bạ và biểu thuế của triều đình hàng năm mà các làng xã lập điền bạ và căn cứ vào điền bạ để thu thuế ruộng đất.
Mỗi triều đại (Lý – Trần – Hồ – Lê – Nguyễn) lựa chọn cho mình phương pháp xử lý các mối quan hệ về đất đai theo cách riêng, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội, lợi ích cụ thể của giai cấp thống trị và yêu cầu xây dựng của Nhà nước đương thời. Tuy nhiên, các triều đại phong kiến Việt Nam phải mất 31 năm, từ năm Gia Long thứ 4 (1805) đến năm Minh Mạng thứ 17(1836), khắp cõi đất Việt Nam mới ghi chép đầy đủ từng mảnh ruộng, sở đất, con đường, khu rừng, núi sông… vào sổ địa bạ của mỗi làng, từ thành thị đến vùng biên cương. Công trình đo đạc, thành lập địa bạ trên quy mô toàn quốc của Nhà Nguyễn là công trình to lớn và có ý nghĩa nhất trong lịch sử quản lý địa chính thời kỳ phong kiến Việt Nam, đóng góp rất quan trọng trong việc hoạch định các chính sách về quản lý địa chính và phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam ở thế kỷ thứ XIX. Hiện nay, nước ta đang lưu giữ 11.000 quyển địa bạ của thời kỳ này và trở thành một tư liệu lịch sử quý giá của Quốc gia.
3.2 Quản lý nhà nước về địa chính thời kỳ Pháp thuộc
Thời Pháp thuộc: Trong gần 100 năm Pháp thuộc, thực dân Pháp chú trọng phát triển chế độ sở hữu lớn về ruộng đất ở Nam Kỳ, duy trì chế độ công điền và chế độ sở hữu nhỏ ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Hệ thống pháp luật đất đai của Pháp đã thay thế luật Gia Long. Hoạt động địa chính cũng có sự thay đổi. Tổ chức hệ thống quản lý địa chính trên lãnh thổ Việt Nam theo 3 cấp: cơ quan quản lý Trung ương là Sở địa chính thuộc Thống sứ Bắc kỳ, Khâm sứ Trung kỳ và Thống đốc Nam kỳ, về sau trực thuộc Phủ toàn quyền Đông Dương. Cơ quan cấp tỉnh là Ty địa chính; cấp cơ sở làng xã có nhân viên địa chính là trưởng bạ ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ và hương bộ ở Nam Kỳ. Thực dân Pháp tiến hành đo đạc bản đồ địa hình từ năm 1871 ở Nam Kỳ, sau đó công việc đo đạc được triển khai khắp lãnh thổ. Các bản đồ được xây dựng để lập Hồ sơ địa chính phục vụ cho việc thu thuế, QLĐĐ.
Từ năm 1945- 1959: Sau khi giành độc lập, cơ quan quản lý địa chính của Phủ toàn quyền Đông Dương là Sở Trước bạ – văn tự- quản thủ điền thổ và thuế trực thu được Bộ tài chính tiếp nhận (Sắc lệnh số 41 ngày 03 tháng 10 năm 1945 của Chủ tịch nước Hồ Chí Minh), kết thúc hoạt động của cơ quan quản lý địa chính thuộc thực dân Pháp và mở đầu cho hoạt động quản lý địa chính của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau đó, ngành địa chính được thành lập (Sắc lệnh số 75 ngày 29/5/1946 của Chủ tịch nước) với tên gọi Nha Trước bạ – Công sản – Điền thổ. Kèm theo đó là hệ thống các đơn vị trực thuộc ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã nhằm duy trì, bảo vệ chế độ sở hữu ruộng đất và thu thuế điển thổ. Đến năm 1953, do yêu cầu của kháng chiến, các Ty địa chính được sát nhập vào Bộ canh nông, rồi trở lại Bộ tài chính để phục vụ mục đích thu thuế nông nghiệp.
Từ năm 1960 – 1979: Do sự phát triển quan hệ ruộng đất ở nông thôn và củng cố quan hệ sản xuất XHCN, ngành quản lý địa ruộng đất được thiết lập (Nghị định số 70/CP ngày 9/12/1960 và nghị định số 71/CP ngày 9/12/1960 của Hội đồng Chính phủ), chuyển từ Bộ tài chính sang Bộ nông nghiệp với nhiệm vụ quản lý mở mang, sử dụng và cải tạo ruộng đất trong nông nghiệp.Quản lý nhà nước về địa chính gồm 3 nội dụng chủ yếu: Lập bản đồ địa bạ về ruộng đất, thường xuyên chỉnh lý bản đồ và địa bạ sao cho phù hợp với sự thay đổi về hình thể ruộng đất, về quyền sở hữu, sử dụng, về tình hình canh tác và cải tạo ruộng đất.Trong giai đoạn này, việc quản lý hành chính về đất đai đã phát triển hệ thống bộ máy và đội ngũ cán bộ từ TW đến địa phương, mở rộng các nội dung quản lý nhà nước về địa chính và Hồ sơ địa chính.
3.3 Quản lý nhà nước về địa chính từ 1979 đến nay
Từ năm 1979 – nay:Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về địa chính, thống nhất các hoạt động quản lý địa chính vào một hệ thống cơ quan chuyên môn, năm 1979, Tổng cục Quản lý ruộng đất được thành lập. Tổng cục Quản lý ruộng đất là cơ quan trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng, thống nhất Quản lý nhà nước đối với toàn bộ ruộng đất trên lãnh thổ cả nước nhằm phát triển sản xuất, bảo vệ đất đai, bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả cao đối với các loại đất” (Nghị quyết số 548/NQQH ngày 24/5/1979 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội). Cơ quan Quản lý nhà nước về địa chính được thành lập theo 3 cấp: tỉnh, huyện, xã.
Trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những năm gần đây, cơ cấu kinh tế nước ta đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ kèm theo đó là sự chuyển đổi trong việc sử dụng các nguồn lực lao động, công nghệ, đất đai, tài nguyên thiên nhiên… và sự tác động đến môi trường. Theo định hướng thành lập các Bộ đa ngành được tổ chức lại với sự ra đời của Bộ tài nguyên và môi trường năm 2002, Bộ tài nguyên và môi trường năm 2002 được thành lập (Nghị quyết số 02/2002/QH11 của Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ nhất ngày 5/8/2002 và Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ), là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong các lĩnh vực về địa chính; đất đai, tài nguyên, khoáng sản, địa chất, môi trường.
4. Kinh nghiệm quản lý nhà nước về địa chính ở một số nước trên thế giới
4.1 Hệ thống quản lý nhà nước về địa chính ở Cộng hòa liên bang Đức
Là loại địa chính theo hướng pháp lý. Bộ Hồ sơ địa chính của Đức bao gồm 1 bình đồ địa chính và một sổ cái dùng để mô tả, cụ thể là được dùng để định vị và mô tả tổng thể các thửa ruộng đất và nhà cửa. Các thửa đất được hình thành chủ yếu theo quan hệ sở hữu, còn loại hình sử dụng đất được chia loại theo mục đích sử dụng tương đối rộng (đất canh tác, đất trồng cỏ, ruộng nho, đất rừng…)Trong mỗi loại đất như trên có thể gồm nhiều hạng đất để tính thuế. Giá trị tính thuế được xác định theo tính chất sử dụng đất một cách chi tiết.
Như vậy, khái niệm thửa đất gần gũi với khái niệm lô đất sở hữu, trong đó nhiều thửa đất canh tác có thể gộp chung trong cùng một thửa địa chính, các thửa đất được đánh dấu chính xác trên thực địa bằng cột mốc, được đánh số theo một hệ thống nhận dạng thống nhất, cùng số hiệu ghi trong sổ địa bạ. Địa bạ được quản lý bởi các Bang, nhờ có cơ quan điều phối cấp Liên bang và các tiểu bang tư vấn nên có sự đồng bộ cao.
Hệ thống địa chính Đức được tin học hóa khá sớm, ngày nay đã trở thành hệ thống Hồ sơ địa chính đa mục đích.
4.2 Hệ thống quản lý nhà nước về địa chính của Australia
Australia là một trong những quốc gia áp dụng hệ thống bằng khoán (title System) khá sớm và điển hình. Hệ thống Quản lý nhà nước về Hồ sơ địa chính chủ yếu là công tác đăng ký đất đai Torrens được hình thành từ năm 1857 ở bang Nam Australia. Trong hệ thống này phải thành lập cơ quan đăng ký đất đai với chức năng đăng ký đất đai và cung cấp thông tin về đất đai và bất động sản cho cộng đồng. Trong hồ sơ đăng ký cần kèm theo các chứng thư pháp lý dân sự để chứng minh quyền sở hữu thửa đất. Cơ quan quản lý địa chính tiến hành lập hồ sơ, lập sổ đăng ký để lưu trữ các thông tin đầy đủ, chính xác về vị trí, hình thể, diện tích, thông tin pháp lý của từng thửa đất, chủ sử dụng. Khi các thông tin pháp lý được công nhận thì chủ sử dụng được cấp một giấy chứng nhận quyền sở hữu đất thay cho mọi giấy tờ pháp lý trước đó.
Australia đã phát huy thế mạnh của hệ thống quản lý nhà nước về Hồ sơ địa chính này từ đầu thế kỷ XX. Ngày nay, hệ thống này được tin học hóa và hiện đại hóa theo hướng đa mục đích.
4.3 Hệ thống quản lý nhà nước về địa chính của Pháp
Ở Pháp, ngay sau thời kỳ cách mạng tư sản năm 1970, Quốc hội lập hiến đã bãi bỏ thuế thân và chỉ còn lại thuế đất duy nhất đánh vào các diện tích đất đai sử dụng và thu nhập từ đất. Năm 1807, Pháp quyết định xây dựng lại hệ thống địa chính dựa trên hệ thống địa chính Napoleon. Hồ sơ địa chính trong hệ thống Napoleon gồm:
– Bình đồ giải thửa đo vẽ theo đơn vị xã.
– Bản mô tả chú giải cho bình đồ và từng thửa đất.
– Sổ địa bạ gốc thống kê tổng hợp theo từng chủ sở hữu dưới dạng một bản kê tài sản và đánh giá tài sản.
Các tài liệu địa chính có giá trị to lớn, nó trở thành nền móng của nền địa chính Pháp đương đại. Khi cần xác định quyền pháp lý về đất đai thì chủ sở hữu tự chứng minh quyền sở hữu của mình thông qua các chứng thư pháp lý khác được công nhận trong luật dân sự.
Năm 1930, có bộ Luật mới đặt nền móng cho cuộc đổi mới nền địa chính cũ đến năm 1951 thì người ta bắt đầu sử dụng ảnh chụp máy bay để làm bình đồ địa chính. Sau này, người Pháp vẫn tiếp tục sử dụng các tài liệu địa chính để quản lý địa chính và đăng ký thuế tài sản đất đai. Năm 1974, người Pháp đã ứng dụng tin học trong hệ thống quản lý nhà nước về Hồ sơ địa chính.
Trên thế giới, nhiều nước đã có kinh nghiệm về quản lý nhà nước về Hồ sơ địa chính, tuỳ vào tình hình kinh tế- xã hội của họ để chọn ra hình thức và nội dung phù hợp (quản lý địa chính kiểu Australia, quản lý kiểu Pháp…), tuy có nhiều điểm khác nhau về cả nội dung và hình thức nhưng đều có thể chuyển hoá theo sự phát triển của kỹ thuật tin học hiện đại và đều lấy thửa đất làm cơ bản, làm đối tượng để lập và quản lý Hồ sơ địa chính.
Qua việc tìm hiểu các hệ thống quản lý về địa chính tại một số quốc gia đã nêu ở trên có thể rút ra kinh nghiệm có thể áp dụng tại Việt Nam như sau :
– Hệ thống địa chính được thiết lập ở bất kỳ quốc gia nào đều không tách rời mục tiêu là quản lý chặt chẽ quỹ đất đai.
– Các hệ thống tài liệu địa chính ở các nước nghiên cứu đều đi sâu thể hiện từng thửa đất của mỗi chủ sở hữu kèm theo các thông tin cần thiết phục vụ việc thu thuế, các nhu cầu về thông tin đất đai và yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu đất đai.
Để hiện đại hoá hệ thống quản lý, các nước đều tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu (ngân hàng dữ liệu) về đất đai và xây dựng, vận hành hệ thống thông tin đất đai. Đó chính là hệ thống quản lý nhà nước về địa chính đa mục đích mà nhiều quốc gia đang theo đuổi và bắt đầu xây dựng để ứng dụng.